Accent vượt Vios hơn 100 xe trong tháng 3, trong khi Fadil tiếp tục đẩy i10 xuống vị trí thứ hai phân khúc xe cỡ nhỏ.
Thị trường ôtô Việt đang dần lấy lại nhịp mua bán, sau quãng trầm lắng ngoài Tết nguyên đán. Không còn hiện tượng “một mình một ngựa”, các phân khúc giờ đây cạnh tranh ngày càng gay gắt, với ít nhất hai là cái tên so kè vị trí số một như dưới đây.
Phân khúc A
Đây là phân khúc luôn sôi động và ổn định về doanh số. Trước khi Fadil xuất hiện, i10 không có đối thủ . Kia Morning từ lâu đã tự đánh mất mình khi không có những thay đổi kịp thời trong sản phẩm. Mọi chuyện thay đổi từ 2020, khi Fadil gia nhập cuộc chơi.
Tháng 3, doanh số sát nút của Fadil (1.312 xe) và i10 (1.293 xe) trong top 10 cho thấy khách hàng đang có sự phân định trong cách lựa chọn xe. Nhưng nếu tính cả quý thì Fadil vượt i10 tới gần 1.000 xe – Fadil bán 4.148 chiếc, i10 là 3.199.
Ưu điểm của i10 là nội thất rộng rãi nhất phân khúc, tiện ích ổn, kiểu dáng thời trang. Trong khi đó Fail nội thất không rộng bằng, nhưng bù lại máy khỏe, cảm giác lái đầm, chắc, ổn định nhất phân khúc và trang bị an toàn tốt.
Ở phần còn lại, Wigo thực dụng nhưng thiết kế không bắt mắt, Brio cảm giác lái tốt nhưng giá cao. Ngay cả cựu vương Morning đã có phiên bản mới nhưng giá bán cao, không gian không rộng nên chưa tìm lại được đỉnh cao doanh số như trước đây.
Phân khúc B
Doanh số các dòng xe cỡ B ngày càng tăng, các hãng cũng đua nhau tăng trang bị và liên tục đưa về các kiểu dáng mới. Tuy vậy, top đầu doanh số vẫn là cuộc đua của Accent và Vios, theo sau bởi City. Kết thúc tháng 3, Hyundai Accent bán 2.094 xe, trong khi Vios chỉ là 1.971 chiếc.
Accent có công thức thành công giống i10. Xe nhiều trang bị, giá dễ tiếp cận nên trở thành một lựa chọn ưu tiên của những người trẻ, thích công nghệ. Trong khi đó, Vios lại là lựa chọn của sự bền bỉ, thực dụng và không gian nội thất thoải mái. Dưới một chút là City vừa có những thay đổi đáng kể với thiết kế mới, êm ái hơn, phù hợp hơn với gia đình.
Phần còn lại, Sunny là chiếc xe Nhật thực dụng, bền bỉ nhưng kiểu dáng già, không theo xu hướng nên khó thuyết phục khách hàng. Ciaz có cách tạo hình trẻ hơn Sunny, mọi thứ vừa phải nhưng cũng thiếu đi cá tính, giá phụ tùng cao.
Ở đoạn thấp hơn, tức B- là cuộc so găng của Mitsubishi Attrage và Kia Soluto. Cả hai đều tiếp cận bằng giá rẻ, ngoại hình trẻ trung. Attrage có lợi thế xe nhập khẩu, thương hiệu tin cậy nên đang tăng trưởng tốt. Soluto lắp ráp trong nước nên sẵn nguồn cung nên doanh số duy trì ổn định 400-600 xe/tháng.
Xe gầm cao cỡ nhỏ
Bao gồm cả crossover cỡ B như Kia Seltos và C- như Toyota Corolla Cross. Dù không cùng phân khúc theo thiết kế và giá bán, nhưng Corolla Cross đang là lựa chọn mới của nhiều khách hàng khiến Seltos phải dè chừng.
Trong tháng 3, mẫu xe của Toyota bán được 1.390 xe, trong khi chiếc Kia bán nhỉnh hơn, 1.602 xe. Lúc này, Seltos đang vô địch cỡ B, còn Corolla Cross tung hoành một mình ở C-. Seltos có giá 599-729 triệu đồng, Corolla Cross là 720-910 triệu đồng.
Với khách hàng chưa đủ tài chính mua xe cỡ C, việc xuất hiện chiếc C- như Corolla Cross giúp giải quyết bài toán không gian rộng rãi vốn là điểm yếu của xe cỡ B, đồng thời cũng được thừa hưởng nhiều tiện nghi và công nghệ tầm cao hơn. Tuy vậy, khoảng giá 100-200 triệu rẻ hơn vẫn là lợi thế đủ lớn để xe cỡ B như Seltos thuyết phục khách hàng không dư dả tài chính.
Miếng bánh của thị trường xe gầm cao cỡ trung sẽ sôi động hơn nữa khi trong năm nay Kia đưa về mẫu Sonet và Mazda tung ra thị trường mẫu CX-3 và CX-30. Khi xu hướng sử dụng xe gầm cao cỡ nhỏ và trung gia tăng có thể khiến lượng khách của sedan cỡ C thậm chí B giảm.
Một số phân khúc từng có sự so kè như Cerato và Mazda3 hay CX-5 và CR-V, Tucson nhưng hiện dần phân hóa, với Cerato và CX-5 trội hơn các đối thủ còn lại. Trong top 10 xe bán chạy, ngoài những cái tên trên, còn lại là các trường hợp làm “trùm phân khúc” như MPV cỡ trung có Mitsubishi Xpander hay bán tải có Ford Ranger.